TRƯỜNG THCS PHÚ CƯỜNG
Saturday, 20/04/2024 - 02:32|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Phú Cường

Biên chế hay không biên chế?

Biên chế không phải là thứ tạo ra chất lượng giáo dục, mà chính việc bãi bỏ chế độ biên chế mới là giải pháp đúng ở trong dài hạn.

Mấy ngày nay, ngành giáo dục đang sôi sùng sục với dự định thí điểm bãi bỏ chế độ công chức, viên chức đối với giáo viên.

Theo cách hiểu của giáo giới thì đây là bãi bỏ chế độ biên chế đối với giáo viên. Trong bài viết này, tôi dùng chữ “biên chế” để chỉ những người làm việc theo Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức cho gọn.

Bien che hay khong bien che? - Anh 1

Ảnh: Thanh Hùng

Trước khi đi vào thảo luận chi tiết về dự định này, cần làm rõ xem biên chế sinh ra để làm gì? Biên chế được sinh ra để đảm bảo cho người lao động yên tâm làm việc, tránh được các áp lực từ bên ngoài mà ảnh hưởng xấu đến công việc của mình, cụ thể là làm biến dạng bản chất công việc của mình dưới sức ép của các yếu tố bên ngoài, trong đó có sức ép của người, hoặc đơn vị trả lương cho mình.

Vậy ai thì cần biên chế?

Ở nước ngoài, thì đó là những người cần phải giữ tiếng nói độc lập của mình, bất chấp sự kiện rằng, tiếng nói đó có thể xung đột với ý kiến của người trả lương cho họ.

Đó là ai? Đó là các Thẩm phán của Tòa án Tối cao, một khi đã được bổ nhiệm thì sẽ có hiệu lực suốt đời, nhằm tránh áp lực từ bên ngoài, hầu giữ được sự độc lập trong việc bảo vệ công lý, diễn giải hiến pháp và đánh giá tính hợp hiến của các đạo luật.

Ngoài ra, đó cũng có thể là những giáo sư của các trường đại học, người khi đã vào biên chế, thì sẽ không bị mất việc nếu không bị trường chứng minh phạm pháp, hoặc năng lực làm việc quá kém. Để làm gì? Để họ có thể bảo vệ tự do học thuât, đi tìm chân lý, mà không chịu sức ép của nhà trường.

Ở Việt Nam, cả hai trường hợp này đều không xảy ra. Biên chế sinh ra chỉ đơn thuần là để có một việc làm suốt đời, một sự ổn định trong công việc, chứ không phải là để bảo vệ công lý hoặc tự do học thuật.

Vậy biên chế ở Việt Nam có cần thiết?

Trước hết, cần nhìn ra thế giới để thấy rằng, bãi bỏ biên chế làm việc suốt đời đang là một xu hướng. Thống kê cho thấy, một người Mỹ trung bình chuyển việc 15 lần trong cuộc đời của mình. Xu hướng này càng tăng đối với những người trẻ tuổi. Vì sao? Vì với sự phát triển của công nghệ hiện giờ, các ngành nghề liên tục mất đi, và các ngành mới liên tục ra đời. Ít ai dám chắc 5 năm nữa mình sẽ làm gì, ở đâu. Vậy nên thay đổi việc làm liên tục, và vì thế phải học tập suốt đời, là một xu hướng không thể tránh khỏi.

Ở Việt Nam, hiện tượng này cũng đang trở nên phổ biến với giới trẻ. Họ liên tục thay đổi, liên tục học hỏi, liên tục phát triển và tìm kiếm những cơ hội mới. Hiện tượng này đang diễn ra trong mọi ngành nghề, nhưng với ngành giáo dục, xem ra vẫn còn yên ắng. Một trong những lý do tạo ra sự yên ắng này là chế độ làm việc theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức của giáo viên rất ổn định. Vào công chức xong là coi như có biên chế, có thể đủng đỉnh cho đến lúc về hưu.

Nay với thí điểm bãi bỏ chế độ công chức, viên chức này, thì tôi cho rằng đó là một tiến bộ của ngành giáo dục, cũng lại hợp với xu hướng của xã hội.

Bien che hay khong bien che? - Anh 2

Giới trẻ Việt Nam đang liên tục thay đổi, liên tục học hỏi, liên tục phát triển và tìm kiếm những cơ hội mới.

Cụ thể hơn, tôi có mấy ý kiến ngắn gọn sau:

1. Thí điểm, rồi tiến tới bãi bỏ biên chế suốt đời, là luật chơi mới của ngành giáo dục. Đã là luật chơi mới, thì cần áp dụng cho mọi công chức, viên chức của ngành, từ bộ trưởng xuống các cán bộ quản lý, các hiệu trưởng, chứ không chỉ giáo viên. Như vậy mới công bằng. Trên nguyên tắc, việc này có thể thực hiện được. Vấn đề còn lại chỉ là kỹ thuật.

2. Nỗi lo nếu bãi bỏ biên chế thì hiệu trưởng sẽ lạm quyền là có thật. Tôi chia sẻ nỗi lo này, khi quyền lực không gắn liền với trách nhiệm.

Hiệu trưởng hiện giờ quyền lực đã rất lớn, nay được thêm quyền tự ý tuyển dụng thì có thể sẽ phát sinh nhiều tiêu cực nếu không có giám sát và giải trình trách nhiệm. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể tìm ra biện pháp để giải quyết vấn đề này.

Giải pháp phù hợp nhất, theo tôi, là thành lập hội đồng trường, có sự tham gia của giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý giáo dục, các doanh nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa, nghệ sĩ… và cả đại diện học sinh nữa. Hội đồng trường sẽ hoạt động như hội đồng quản trị của trường tư thục, và quyết định việc bổ nhiệm, bãi nhiệm hiệu trưởng nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc lạm quyền, khuất tất. Như thế, hiệu trưởng cũng phải cạnh tranh, áp lực còn lớn hơn giáo viên ấy chứ.

3. Nỗi lo mất biên chỉ chỉ là nỗi lo của các giáo viên trường công lập. Khối tư thục và quốc tế, có ai có biên chế đâu. Tất cả đều là hợp đồng làm việc theo luật lao động. Vậy mà họ vẫn giảng dạy tốt, hăng say với công việc.

Vì thế, biên chế không phải là thứ tạo ra chất lượng giáo dục, mà chính việc bãi bỏ chế độ biên chế để tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho những giáo viên giỏi tìm được việc làm ở nơi xứng đáng, và những giáo viên trẻ vào được hệ thống thay vì mòn mỏi đợi chờ, mới là giải pháp đúng ở trong dài hạn.

Các cụ đã nói: Thầy già, con hát trẻ. Nếu các thầy cô có tuổi, có biên chế, mà có năng lực thực sự, thì khi bãi bỏ biên chế, đó sẽ là cơ hội để các thầy cô có được nơi làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, vì không còn bị ràng buộc vào luật cán bộ, công chức nữa. Còn nếu những giáo viên/ viên chức ngoài biên chế ra không còn gì khác, năng lực chuyên môn, tư cách đều có vấn đề, thì tốt nhất nên được thay bằng những người trẻ có năng lực. Như thế tốt cho họ, cho người trẻ, và cho cả xã hội. Và cũng chỉ như thế thì nhà giáo mới có thể sống được bằng lương.

4. Lương hưu cũng là một trong những chủ đề của thảo luận. Tuy nhiên, hưu trí là câu chuyện của bảo hiểm xã hội, không phải của biên chế. Những giáo viên tư thục không phải có biên chế, nhưng đóng bảo hiểm xã hội, nên sẽ vẫn có lương hưu.

5. Lo ngại rằng giáo viên vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo… khó khăn đủ thứ, đã chẳng có gì, nay biên chế cũng không có, là không có cơ sở. Đã là vùng sâu vùng xa, những nơi chẳng ai muốn đến, thì cách hành xử công bằng là để họ làm việc có thời hạn, 3 năm chẳng hạn, rồi cho họ về tìm cơ hội tốt hơn. Nếu dùng biên chế để giữ họ ở đó suốt đời thì không phải là ưu đãi, mà thực ra là đang lợi dụng sự hy sinh của họ.

6. Về lâu dài, tôi ủng hộ bãi bỏ biên chế với tất cả các ngành nghề, chứ không chỉ là giáo dục. Một nước chỉ cần khoảng mươi người có biên chế suốt đời là đủ. Đó là ai? Như đã nói ở trên, đó là những thẩm phán của Tòa án Tối cao, những người cần đảm bảo công việc suốt đời sau khi được lựa chọn, để tránh mọi áp lực từ bên ngoài, hầu giữ được tiếng nói độc lập trong cuộc chiến bảo vệ công lý, thẩm định tính hợp hiến của các đạo luật … Ngoài họ ra, tất cả đều nên làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn.

Hiện nay, Việt Nam hiện có 11 triệu người ăn lương ngân sách. Con số quá lớn. Không ngân sách nào chịu nổi. Vì vậy, tốt nhất là giảm hệ thống cán bộ, công chức này xuống, tiến tới làm việc theo hợp đồng hết. Chứ cứ rung đùi ngồi ôm biên chế, không có cạnh tranh để nâng cao chất lượng, để rồi tặc lưỡi với năng suất lao động chỉ bằng 1/4 Malaysia, 1/15 Singapore, thì đời nào mới tăng được thu nhập, đời nào nhà giáo mới có thể sống được bằng lương.

Khi nhà giáo không sống được bằng lương, mọi cải cách giáo dục trước sau gì cũng sẽ thất bại.

 

Lượt xem: 530
Tác giả: TS. Giáp Văn Dương
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4
Hôm qua : 99
Tháng 04 : 912
Năm 2024 : 6.757